9:09 AM Blog Radio 233: Điều quý giá nhất | |
Blog Radio 233: Điều quý giá nhất Lá thư trong tuần: Câu chuyện về con nhện trên cửa miếu Quan Âm "… Khi con trở nên yếu đuối, mẹ luôn ở bên Giúp con trở lại là chính mình Mẹ luôn luôn ở đó Cho con mọi thứ con cần…” Bạn thân mến, bạn còn nhớ chứ, ngày chủ nhật thứ 2 của tháng 5 là ngày dành cho những người mẹ kính yêu của chúng ta. Hòa trong không khí của dịp lễ đặc biệt này, có rất nhiều lá thư dành tặng mẹ của các thính giả gửi tới Blog Radio, mời bạn cũng nghe một trong những lá thư tràn đầy xúc cảm và kỷ niệm này. Hy vọng Blog Radio tuần này với những câu chuyện về cuộc sống và tình mẫu tử sẽ là món quà đặc biệt dành tặng những người con và đấng sinh thành nhân dịp đặc biệt này.
Thế là đã hai mươi năm trôi qua rồi phải không mẹ. Hai mươi năm đủ để con trở thành một người phụ nữ và vững bước đi trên đường đời. Giờ đây, khi đang sống những ngày lang bạt ở xứ người, con thấy nhớ quê hương, nhớ nhà và nhớ mẹ da diết. Nhớ về những ngày tháng khi con đã lớn rồi mà chẳng biết làm gì cả, chỉ biết mải chơi bên vòng tay mẹ. Ngày ấy cả nhà mình vẫn còn sống ở một tỉnh lẻ. Bố mẹ đều là cán bộ công chức nhà nước nên cuộc sống cũng chỉ đủ ăn. Bố lại công tác ở xa nên cuối tuần bố mới về với mẹ và chúng con. Những ngày cuối tuần thường tan học muộn hơn vì có tiết sinh hoạt lớp. Tuy nhiên, trên đường đi học về, từ giữa cánh đồng lúa mênh mang gió, nhìn về phía bờ đê con thấy bố đang đạp chiếc xe Phượng Hoàng nam cũ kỹ. Con đã như muốn hét toáng lên chạy về phái bờ đê ấy để đứng trước đầu xe, dang hai tay chặn xe bố lại để bố lại cho con ngồi lên khung chiếc xe đạp cọc cạch. Đó là lý do vì sao con đã yêu những buổi chiều thứ 6 nhiều đến vậy. Do bố công tác ở xa nên mẹ luôn là người ở bên cạnh con và dắt con những bước đi chập chững vào đời. Mẹ bảo, sau này con muốn trở thành ai cũng được, nhưng cốt phải giữ được "công, dung, ngôn, hạnh”. Ngày đó, con cũng đã lớn mà có hiểu được ý nghĩa của bốn từ "công, dung, ngôn, hạnh” ấy là gì đâu mẹ ơi. Con mang bốn từ "công, dung, ngôn, hạnh” đó đến lớp hỏi cô giáo. Cô giáo chỉ mỉm cười và nói: "công, dung, ngôn, hạnh” chính là mẹ em đó. Con nhớ, những ngày mẹ đưa con đi chợ. Mẹ bảo: "Con gái lớn rồi thì phải biết chợ búa, bếp núc vì người phụ nữ rất cần biết những cái đó”. Rồi mẹ đã dạy con làm những công việc mà mẹ vẫn thường làm. Mẹ dẫn con ra chợ, mười hai tuổi rồi mà con vẫn còn thích đồ chơi. Nhìn thấy hàng đồ chơi, mắt con như sáng lên và nhìn chăm chú vào đó và dường như quên hết những lời mẹ dặn. Con cũng không biết là mẹ đã bán hết gánh rau muống từ khi nào nữa ? Khi mẹ quay ra tìm con, thấy con đứng lặng bên hàng đồ chơi, mẹ khẽ kéo tay con: "về thôi con gái”. Lúc ấy, tự nhiên con thấy giận mẹ vô cùng. Mẹ thừa biết là con thích lắm chiếc vòng đá óng ánh nhiều màu ấy mà mẹ lại không mua cho con. Con không vòi vĩnh nhưng mẹ vẫn biết là con đang giận mẹ. Chiều hôm ấy, khi con đi học về, thấy mẹ đang ngồi nấu một nồi cám lợn ở trong bếp. Vừa nấu bếp vừa hì hụi kết những bông cỏ gà thành một chiếc vòng cỏ thật đẹp. Khi con xuống bếp, mẹ nói: "Nhà mình còn nghèo, con và hai em còn đang học, vì thế phải biết tiết kiệm con ạ”. Rồi mẹ đeo chiếc vòng cỏ ấy vào cổ con và nói tiếp: "Nhìn con gái của mẹ đeo chiếc vòng cỏ cũng xinh chưa kìa...”. Nói xong mẹ kéo con ngồi xuống bên cạnh tâm sự: "Thời của mẹ, khắp nơi mọi người đều lớn lên trong rơm rạ. Do đó một lõi cuộn chỉ trong tay cũng đủ thành chiếc xe kéo chở nặng những ước mơ. Những hòn sỏi chơi ô ăn quan cũng đủ lập nên kỷ cương phép nước. Mấy sợi tơ hồng cũng kết thành vương miện, vài bông râm bụt cũng làm nên đêm hội hoa đăng. Ít giẻ vụn thôi cũng dệt nên thế giới cổ tích có cả vua, hoàng hậu và công chúa. Một sợi lá dừa cũng biến thành chong chóng, máy bay đưa ta vào tương lai...” Lúc ấy, con chỉ biết ôm chầm lấy mẹ và hiểu rằng con đã yêu mẹ nhiều hơn bao giờ hết. Vậy mà con đã giận mẹ chứ, con biết là con đã sai rồi mẹ ơi. Sau ánh lửa bập bùng, những giọt nước mắt lặng lẽ chảy ra từ khóe mắt con và con biết đó là những giọt nước mắt hạnh phúc vì con có mẹ. Con cũng chẳng thể quên, khi một lần bão về. Buổi chiều hôm ấy mẹ cùng các cô chú trong cơ quan tất bật lo chống bão. Không hiểu sao ngày ấy bão lại to thế không biết? Hay là khi người ta còn nghèo và thiếu thốn thì cảm thấy mọi phía đều chống chếnh. Đêm hôm ấy, mưa xối xả, gió giật những hàng bạch đàn phía sau nhà kêu răng rắc. Những cây chuối đổ gẫy gục cuối vườn. Mấy chị em con sau khi học bài xong thì lăn ra ngủ, chẳng đứa nào nhớ đến mẹ đang cuống quýt lo cho con Lợn đang bỏ bữa hai ngày nay do thời tiết thay đổi. Những giọt nước mưa lọt qua từng viên ngói, rơi xuống chiêc chậu nhôm giữa nhà kêu loong coong. Bão to quá nên bố chẳng thể về. Phía quê nhà chỉ có một mình mẹ chống chọi với tất cả. 7 giờ sáng, khi thức dậy chẳng nhìn thấy mẹ đâu. Con chạy xuống bếp, chợt sững người khi nhìn thấy mẹ với đôi mắt đỏ hoe đang ngồi bên con Lợn đã chết. Lúc ấy con mới hiểu hết nỗi đau của mẹ. Vì con hiểu con Lợn đó chính là học phí của mấy chị em con trong cả học kỳ này. Sau khi con Lợn chết, mẹ gần như suy sụp. Rồi mẹ ốm phải nằm viện mấy ngày. Lúc đó con mới hiểu thế nào là mênh mang tình mẹ. Bão tan. Bầu trời trở lại trong xanh bình yên như vốn có. Ngày bão tan cũng là ngày mẹ được ra viện. Con nấu cho mẹ một bát canh rau tập tàng với chút thịt nạc băm nhỏ. Vị ngọt của rau tập tàng sau bão như những bài học mà mẹ đã dạy cho con, sao mà ngọt ngào sâu sắc. Mẹ vịn vào vai con để đứng dậy như sau mỗi cơn bão nắng lại vịn vào đất để đổ một màu vàng au vàng đến tận cuối trời. Và con đã lớn lên như thế đó. Chính nhờ mẹ mà con đã nhận ra rằng, người phụ nữ nào cũng mong bão giông luôn dừng sau cánh cửa. Đó là lý do vì sao giờ đây khi đang sống xa nhà, con vẫn luôn khắc khoải về một mùa bão sắp đến ở quê xa. Cảm ơn mẹ. Người đã dạy con biết đứng lên sau cơn bão. Con yêu mẹ nhiều thật nhiều. Mẹ ơi!
Nguồn: nhacvietplus.com.vn | |
|
Total comments: 0 | |